Ứng dụng blockchain vào ngành nông nghiệp
 
Chúng ta đã quá quen với những hứa hẹn về việc thay đổi hệ thống tài chính bằng blockchain, về một viễn cảnh tươi sáng hơn. Thế nhưng, công nghệ này đang thực sự được ứng dụng vào những lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp hay quản lý chuỗi cung ứng.
 
 
Nông nghiệp là một ngành công nghiệp có hơn 1 tỷ lao động và tạo ra số thực phẩm trị giá hơn 1,3 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Dẫu vậy, blockchain có thể làm được gì ở đây?
 
Câu trả lời rất đơn giản: cải thiện các quy trình hiện tại, từ chia sẻ dữ liệu thống nhất giữa các công đoạn, đến bảo vệ cây trồng và phòng chống ô nhiễm thực phẩm.
 
Về lý thuyết, một blockchain có thể được sử dụng để ghi lại thời điểm và địa điểm trồng một loại cây cụ thể, loại phân bón nào được sử dụng, khi vụ mùa được thu hoạch và nơi nó phát triển.
 
Bằng cách theo dõi hành trình của sản phẩm từ hạt giống đến kệ lưu trữ, blockchain cũng có thể cung cấp những dữ liệu hữu ích cho quá trình quản lý chuỗi cung ứng bằng những thông tin cụ thể và dễ dàng truy dấu. Công nghệ này thậm chí có thể giúp nông dân và nhà phân phối chứng minh rằng các sản phẩm của họ là hữu cơ và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhưng bằng cách nào?
 
Dù vẽ vời ra nhiều công dụng như vậy, blockchain có thể thực sự thay đổi toàn bộ hệ thống?
 
Tạo ra một hệ thống phù hợp cho phép tất cả các bên liên quan theo dõi và thanh toán cho việc giao hàng là một trong những thách thức chính của ngành nông nghiệp. Hiện tại, phần lớn quá trình phụ thuộc vào bên thứ ba, chịu trách nhiệm điều phối hậu cần và giao hàng.
 
Với cách vận hành truyền thống, người bán thường thuê một đại lý để đảm bảo hàng hóa được giao một cách an toàn. Người mua, mặt khác, lại dựa vào một đại lý khác để thanh toán và kiểm toán việc giao hàng. Có nhiều bên tham gia vào quy trình dẫn đến chi phí cao hơn và tiêu tốn nhiều thời gian hơn.
 
 
 Nếu có thể ứng dụng công nghệ blockchain vào chuỗi cung ứng hiện tại, toàn bộ quy trình sẽ được đơn giản hóa thành một sổ cái phân tán, nghĩa là người mua có thể tương tác với người bán nhanh hơn và thời gian thanh toán cũng sẽ giảm đáng kể.
 
Ngoài ra, các công ty sẽ tiết kiệm được việc trả khoản tiền khổng lồ để duy trì các đại lý và người nông dân sẽ mang về nhà một phần doanh thu lớn hơn.
 
Tăng sản lượng cây trồng
 
Blockchain, cùng với các công nghệ khác như Internet of Things (IoT) cũng có thể giúp tối đa hóa sản lượng cây trồng. Ví dụ: các cảm biến trên thiết bị IoT có thể thu thập dữ liệu về mực nước, nhiệt độ đất và liều lượng sử dụng phân bón đồng thời cập nhật lên blockchain theo thời gian thực. Khi dữ liệu được lưu trên blockchain, các hợp đồng thông minh có thể được kích hoạt và thực hiện các hành động cụ thể, nâng cao chất lượng của quy trình canh tác và cây trồng.
 
Nông dân thường xuyên phải đối mặt với điều kiện thời tiết không thể đoán trước. Nhưng với sự giúp đỡ của blockchain trong việc giám sát và dự đoán những thay đổi của các điều kiện ngoại cảnh,  cải thiện khả năng sống sót của cây trồng, duy trì giá cả và thậm chí tiết kiệm nhân công.
Công nghệ blockchain, ngoài những tiềm năng trong lĩnh vực tài chính, còn cho thấy rất nhiều hứa hẹn trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng và nông nghiệp, nhưng để khám phá và khai thác tối đa tiềm năng của nó, còn rất nhiều câu hỏi cần được trả lời. Ví dụ như hợp đồng thông minh chắc chắn có thể kích hoạt và thực hiện các hành động cụ thể sau khi dữ liệu được lưu trên blockchain, nâng cao chất lượng của quy trình canh tác và cây trồng được sản xuất, nhưng làm sao đảm bảo dữ liệu đầu vào là chính xác.
 
Blockchain có thể đã mở ra một cuộc cách mạng trong tư duy, nhưng vẫn còn phải xem liệu nó có thực sự cải thiện bất cứ điều gì trong thế giới thực hay không.
 
Ví dụ tiêu biểu về ứng dụng công nghệ blockchain vào nông nghiệp
 
Giữa 2018, hợp tác xã Mỹ Xương, tỉnh Đồng Tháp đã áp dụng blockchain để quản lý và truy xuất nguồn gốc đối với giống xoài Cát Chu. Chỉ cần quét mã QR code trên sản phẩm, người dùng có thể biết được quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển, phân phối hay cách sử dụng của sản phẩm...
 
 
Ưu điểm của blockchain là được lưu trữ và bảo mật hiệu quả mà không thể can thiệp chỉnh sửa nên tránh được tình trạng sửa và gian lận thông tin sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Bằng việc áp dụng công nghệ này, mọi giao dịch trong chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ trở nên công khai và minh bạch.
 
Ngoài ra, blockchain còn là công cụ tiếp cận thị trường quan trọng và giúp tăng khả năng quản lý chuỗi cung ứng. Công nghệ giúp kiểm tra tình trạng tiêu thụ nông sản và hàng tồn kho, từ đó người nông dân có thể xác minh giá trị thực sự của vụ mùa, dự đoán nhu cầu của người tiêu dùng trong thời điểm cụ thể, đồng thời tối ưu hóa quy trình sản xuất.
 
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng trong sản xuất và phát triển nông nghiệp. Xuất khẩu nông sản trong nước liên tục trên đà tăng trưởng mạnh, góp phần không nhỏ trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại. Năm 2017, giá trị xuất khẩu nông sản đạt hơn 36,5 tỷ USD. Chốt năm 2018, con số này dự kiến sẽ trên 40 tỷ USD.
 
Tình trạng nông sản kém chất lượng đội mác hàng Việt với giá thành rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ xuất hiện tràn lan, khiến giá trị nông sản Việt thua thiệt so với các quốc gia lân cận. Khả năng cạnh tranh quốc tế của nông sản Việt Nam so với thương hiệu nước ngoài còn hạn chế khi 80% hàng nông sản của nước ta khi xuất khẩu phải thông qua trung gian bằng các "thương hiệu" ngoại.